Site Loader
Số 9, Ngõ 7 Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Quản lý thuế

Chính phủ mới ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật quản lý thuế. Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 05/12/2020. Kế toán An Việt sẽ tổng hợp lại những điểm mới đáng chú ý nhất trong Nghị định này.

Ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng theo yêu cầu của cơ quan thuế

Theo Khoản 2 Điều 30, khi có đề nghị của cơ quan quản lý thuế; ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế:

  • Tên chủ tài khoản;
  • Số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp;
  • Ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

Việc cung cấp thông tin về tài khoản được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày; kể từ ngày 05/12/2020. Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin; hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của pháp luật.

Theo đó, ngành thuế chỉ yêu cầu ngân hàng cung cấp những thông tin tài khoản định danh như đã nêu trên, mà không yêu cầu ngân hàng cung cấp chi tiết số dư và nội dung giao dịch tài khoản thanh toán, cũng như tài khoản tiết kiệm của từng người nộp thuế; trừ những trường hợp có yêu cầu cụ thể của cơ quan thuế phục vụ cho việc thanh kiểm tra.

Các trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế

Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong các trường hợp sau đây:

– Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế.

– Cá nhân có thu nhập được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 79 Luật quản lý thuế trừ cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản; chuyển nhượng bất động sản.

– Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.

– Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định 126/2020.

– Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế; trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế.

Về việc tạm nộp thuế TNDN

Nghị định số 126 sửa đổi quy định về nghĩa vụ tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý. Cụ thể tại Điểm b, Khoản 6 Điều 8 nghị định quy định: “Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm; thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.”

Theo đó, tính đến hết ngày 31/10 hàng năm; số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 03 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm; nếu nộp thấp hơn 75% thì doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày 01/11.

Quy định này được cho là gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp; do một số ngành nghề đặc thù thì quý 4 thường là quý có hiệu quả kinh doanh tăng mạnh. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp khó có thể dự tính trước được dẫn đến nộp thấp hơn 75% và sẽ phải nộp phạt. Một trường hợp khác, nếu doanh nghiệp muốn tránh nộp phạt thì phải nộp thuế TNDN tạm nộp 3 quý đầu năm cao lên và dẫn đến giảm sút vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh quý tiếp theo.

Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 05/12/2020. Tuy nhiên điều khoản về thuế TNDN tạm nộp này sẽ chưa áp dụng cho kỳ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và chưa tính thuế chậm nộp. Quy định này sẽ bắt đầu được thực hiện cho kỳ quyết toán thuế năm 2021.

Post Author: admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *