Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là gì? Các quy định liên quan?
Thuế VAT là một trong những loại thuế quan trọng của nhà nước, giúp cân bằng ngân sách và rất nhiều ý nghĩa khác. Thuế giá trị gia tăng (GTGT) tác động đến hầu hết các đối tượng trong xã hội. Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, được sửa đổi, bổ sung 2016 điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực này. Bài viết dưới đây tổng hợp các vấn đề pháp lý cơ bản, liên quan mật thiết đến đời sống người dân của pháp luật thuế GTGT.
Thuế GTGT là gì?
Thuế giá trị gia tăng (VAT) là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế GTGT chỉ áp dụng trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ.
Thuế giá trị gia tăng là một trong những loại thuế gián thu được cộng và hàng hóa dịch vụ và sẽ do khách hàng trả khi mua hàng hóa dịch vụ đó. Do đó, khách hàng chính là người phải trả thuế giá trị gia tăng, tuy nhiên đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ trực tiếp đóng thuế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, khách hàng gần như không biết mình không những phải trả tiền cho giá trị của hàng hóa mà còn phải đóng thuế giá trị gia tăng phát sinh từ hàng hóa đó.
Đối tượng phải nộp thuế GTGT
Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định về đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế trực tiếp với cơ quan Nhà nước. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hoặc nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế chính là người có nghĩa vụ đóng thuế.
Theo quy định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế 2016, hầu hết các sản phẩm tiêu dùng, sản xuất hiện nay đều là đối tượng chịu thuế GTGT.
Một số đối tượng không chịu thuế quy định cụ thể tại Thông tư 219/2013/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 26/2015/TT-BTC, gồm: Nông, thủy sản chưa chế biến; vật nuôi, giống cây trồng; muối; dịch vụ tín dụng; dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng;…
Ngoài ra, Thông tư 219/2013/TT-BTC cũng quy định một số trường hợp cụ thể mà tổ chức, cá nhân không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, gồm:
– Nhận các khoản thu bồi thường bằng tiền;
– Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản;
– Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT cho doanh nghiệp, hợp tác xã;
Thông tư 193/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 219/2013/TT-BTC cũng liệt kê một số trường hợp cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định:
– Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp;
– Điều chuyển tài sản giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp;
– Thu đòi người thứ 3 của hoạt động bảo hiểm;
– Nhận các khoản thù lao từ cơ quan Nhà nước do thực hiện hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan Nhà nước …
Căn cứ tính thuế GTGT
Thuế GTGT được tính dựa trên giá tính thuế và thuế suất.
Giá tính thuế
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng 2013 quy định giá tính thuế bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh, sản xuất được hưởng. Đơn vị tính thuế GTGT là đồng Việt Nam.
Chi tiết giá hàng hóa, dịch vụ được sử dụng làm căn cứ tính thuế GTGT quy định trong một số trường hợp cụ thể như sau:
– Sản phẩm do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra, giá tính thuế là giá bán chưa có thuế GTGT; Sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc/và thuế bảo vệ môi trường là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc/và thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế GTGT;
– Hàng hóa nhập khẩu: Giá nhập tại cửa khẩu cộng với thuế nhập khẩu hoặc/và thuế bảo vệ môi trường hoặc/và thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có);
– Hoạt động cho thuê tài sản: Số tiền cho thuê chưa có thuế GTGT;
– Hàng hóa bán trả góp, trả chậm: Giá bán theo phương thức trả một lần chưa có thuế GTGT, không gồm lãi trả góp, trả chậm;
– Gia công hàng hóa: Giá gia công chưa có thuế GTGT;
– Hàng hoá, dịch vụ được sử dụng chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì tính theo công thức:
Giá chưa có thuế giá trị gia tăng = Giá thanh toán / 1 + thuế suất của hàng hóa, dịch vụ (%)
Mức thuế suất thuế GTGT
Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 5 của Luật này khi xuất khẩu, trừ các trường hợp sau đây:
- Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài;
- Dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài;
- Dịch vụ cấp tín dụng;
- Chuyển nhượng vốn;
- Dịch vụ tài chính phái sinh;
- Dịch vụ bưu chính, viễn thông;
- Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác quy định tại khoản 23 Điều 5 của Luật này.
- Hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu là hàng hoá, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ.
- Thuế suất 5%: Áp dụng với các sản phẩm quy định tại Điều 10, Thông tư 219/2013/TT-BTC và được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 26/2015/TT-BTC như sau: Nước sạch sinh hoạt, phân bón, nông sản, thủy sản, quặng, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, …
- Thuế suất 10%: Được áp dụng đối với các sản phẩm, dịch vụ không áp dụng 2 mức thuế suất 0% và 5%.
Cách tính thuế GTGT
02 phương pháp tính thuế GTGT bao gồm: Phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng 2013 quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 1 về đối tượng áp dụng, cách tính đối với mỗi phương pháp:
Phương pháp khấu trừ thuế
– Đối tượng áp dụng là các cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định pháp luật: Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ từ 01 tỷ đồng trở lên, trừ hộ, cá nhân kinh doanh; Cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng tự nguyện.
– Cách tính:
Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT
– Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới 01 tỷ đồng; hộ, cá nhân kinh doanh; người nước ngoài kinh doanh, không thường trú nhưng có doanh thu tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ…
– Cách tính:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ %
Trong đó, tỷ lệ % được quy định như sau:
– Phân phối và cung cấp hàng hóa: 1%;
– Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
– Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
– Hoạt động kinh doanh khác: 2%.
Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 119/2014/TT-BTC cũng quy định cách tính đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý, như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = (Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra – Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào) x Thuế suất thuế GTGT
Như vậy, hộ, cá nhân kinh doanh chỉ có thể thực hiện phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT. Doanh nghiệp có doanh thu dưới 01 tỷ đồng có thể lựa chọn 1 trong 2 phương pháp trên, trường hợp chọn phương pháp khấu trừ thuế thì phải đăng ký trước.
Các trường hợp được hoàn thuế GTGT
Trường hợp 1: Cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT.
Trường hợp 2: Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý.
Lưu ý: Trường hợp cơ sở kinh doanh có hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan thì không được hoàn thuế.
Trường hợp 3: Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế GTGT khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế GTGT nộp thừa hoặc số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết.
Trường hợp 4: Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hóa mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh.
Trường hợp 5: Tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ không hoàn lại, tiền viện trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo tại Việt Nam thì được hoàn số thuế GTGT đã trả cho hàng hóa, dịch vụ đó.
Trường hợp 6: Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để sử dụng được hoàn số thuế GTGT đã trả ghi trên hóa đơn GTGT hoặc trên chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán đã có thuế GTGT.
Trường hợp 7: Cơ sở kinh doanh có quyết định hoàn thuế GTGT của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế GTGT theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Kế toán An Việt hi vọng rằng qua bài viết này, mọi cá nhân và các đơn vị doanh nghiệp sẽ có cái nhìn rõ nét và hoàn thiện hơn về Thuế GTGT. An Việt luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng về các vấn đề liên quan đến thuế GTGT nói riêng và các nghiệp vụ kế toán nói chung. Vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi qua hotline 0339 696 900 hoặc để lại số điện thoại dưới đây, An Việt sẽ gọi lại cho bạn để tư vấn trực tiếp.
2 Replies to “Thuế giá trị gia tăng (VAT) là gì? Các quy định liên quan như thế nào?”