
Tổng quan về bảo hiểm xã hội (BHXH) và các chế độ BHXH năm 2020
Bảo hiểm xã hội là 1 trong những chính sách an sinh hữu ích đối với người lao động. Con người muốn tồn tại và phát triển cần có hoạt động lao động do đó xuất hiện mối quan hệ giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Ngoài tiền lương hàng tháng thì đơn vị sử dụng lao động sẽ phải chi trả 1 khoản tiền khi người lao động ốm đau hay mất việc…
Bảo hiểm xã hội là gì
Căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định khái niệm bảo hiểm xã hội như sau: Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Các yếu tố cấu thành các chế độ bảo hiểm xã hội
- Đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội;
- Điều kiện được hưởng bảo hiểm xã hội;
- Mức hưởng và thời hạn hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Các chế độ Bảo hiểm xã hội
Các chế độ bảo hiểm xã hội tại Việt Nam hiện nay bao gồm:
- Chế độ bảo hiểm ốm đau;
- Chế độ bảo hiểm xã hội tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp;
- Chế độ bảo hiểm thai sản;
- Chế độ bảo hiểm thất nghiệp;
- Chế độ hưu trí;
- Chế độ bảo hiểm y tế
- Chế độ tử tuất.
Chức năng của bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội sẽ giúp bảo đảm thay thế, bù đắp sự thiếu hụt về mặt tài chính cho người lao động và gia đình người lao động khi gặp phải những rủi ro trong cuộc sống như tai nạn, ốm đau, …
Ngoài chức năng trên thì bảo hiểm xã hội sẽ phân phối lại thu nhập cho người lao động. Chức năng này thể hiện ở việc người lao động san sẻ thu nhập theo thời gian. Tức là, người lao động sẽ đóng BHXH để dành hưởng trợ cấp khi gặp rủi ro hay có vấn đề khác như thai sản, thất nghiệp hay lương hưu sau này…
Phân loại bảo hiểm xã hội
Căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì phân loại bảo hiểm xã hội theo hình thức của bảo hiểm xã hội gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định BHXH bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
Mức đóng BHXH bắt buộc
Đối tượng | Qũy hưu trí, tử tuất | Quỹ ốm đau, thai sản | Quỹ ốm đau, thai sản | Quỹ BHTN | Quỹ BHYT | Tổng mức đóng |
Người lao động Việt Nam | 8% | 0 | 0 | 1% | 1,5% | 10,5% |
Người lao động nước ngoài | 0 | 0 | 0 | 0 | 1,5% | 1,5 % |
Người sử dụng lao động Việt Nam | 14% | 3% | 0,5% | 1% | 3% | 21,5% |
Người sử dụng lao động nước ngoài | 0 | 3% | 0,5% | 0 | 3% | 6,5 % |
Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia bảo hiểm được quyền lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với tài chính của mình.
Căn cứ theo Khoản 4, Điều 2 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Và khi nào cần tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người lao động căn cứ theo đúng quy định nêu trên xem mình thuộc nhóm đối tượng nào để có thể đóng BHXH.
Sổ bảo hiểm xã hội
Theo quy định hiện nay thì mỗi người lao động sau khi ký hợp đồng với đơn vị sử dụng lao động sẽ có sổ BHXH. Sổ BHXH là sổ ghi chép quá trình làm việc, đóng và hưởng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật.